UBND tỉnh vừa có Quyết định số 84/2024/QĐ-UBND ngày 09/11/2024 về việc ban hành Quy chế xét tôn vinh cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quy chế này quy định đối tượng, nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, tiêu chí, thủ tục, hồ sơ tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, doanh nhân; trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đơn vị có liên quan đối với công tác khen thưởng doanh nghiệp và doanh nhân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Các lĩnh vực được tôn vinh gồm có: Nộp ngân sách hoặc thực hiện nghĩa vụ thuế; Xuất nhập khẩu; Giải quyết việc làm; Doanh nghiệp vượt khó, sản xuất kinh doanh có hiệu quả; Doanh nghiệp trẻ xuất sắc; Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Chuyển đổi số; Nhà đầu tư đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh; Một số lĩnh vực khác.
Để xét tôn vinh doanh nghiệp gồm 11 tiêu chí được tính điểm, cụ thể như sau: Doanh thu của doanh nghiệp; Nộp ngân sách hoặc thực hiện nghĩa vụ thuế; Lợi nhuận sau thuế; Thu nhập bình quân/người/tháng; Đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động; Tham gia tốt các hoạt động xã hội từ thiện, nhân đạo; Có thành lập Tổ chức cơ sở Đảng hoặc Công đoàn; Thực hiện đầy đủ việc đăng ký tham gia và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp đối với người lao động theo quy định của pháp luật; bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh an toàn lao động; Áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin, tiêu chuẩn ISO 9001-2015 trong hoạt động của doanh nghiệp, trong mối quan hệ với chính quyền và khách hàng; Doanh nghiệp tham gia tích cực và thực hiện tốt các Phong trào của tỉnh phát động, đặc biệt Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh"; Điểm thưởng.
Các tiêu chí để xét và tôn vinh doanh nhân gồm 4 tiêu chí, cụ thể như sau: Doanh nhân lãnh đạo doanh nghiệp chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của doanh nghiệp; Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác do doanh nhân quản lý phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật; có doanh thu; lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, thu nhập người lao động ổn định và có tăng trưởng; không bị khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, đình công, ngừng việc tập thể; Doanh nhân tham gia, đóng góp tích cực các hoạt động của địa phương; Ngoài các tiêu chí quy định nêu trên, Doanh nhân được tôn vinh phải đảm bảo các tiêu chí: Doanh nhân lãnh đạo doanh nghiệp ổn định có đổi mới cải tiến trong sản xuất kinh doanh, sáng tạo ra những sản phẩm phục vụ hiệu quả cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cộng đồng xã hội; Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong quản lý và điều hành doanh nghiệp; Tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; Khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, có chiến lược áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tích cực tham gia vào các chương trình an sinh xã hội, quá trình liên kết, nội địa hóa sản phẩm; xây dựng và quảng bá thương hiệu; Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ, nhân viên, quan tâm nâng cao trình độ tay nghề người lao động góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động cho doanh nghiệp, xã hội.
Các doanh nhân đạt các tiêu chí trên sẽ được Hội đồng Tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh giới thiệu báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xét tôn vinh. Căn cứ kết quả bình xét do Hội đồng Tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tôn vinh “Doanh nghiệp xuất sắc”; “Doanh nhân tiêu biểu” của tỉnh Thừa Thiên Huế, cụ thể: Về doanh nghiệp: Được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Biểu tượng giải thưởng, “Bằng chứng nhận Doanh nghiệp xuất sắc” của tỉnh Thừa Thiên Huế. Về doanh nhân: Được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Biểu tượng giải thưởng, “Bằng chứng nhận Doanh nhân tiêu biểu” của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 19 tháng 11 năm 2024