CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2024) Ngày cập nhật 20/05/2024 | |
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người hội tụ, kết tinh trí tuệ và tư tưởng, tình cảm và đạo đức, nhân cách và lối sống của con người và dân tộc Việt Nam. Người tiêu biểu cho cốt cách và bản lĩnh, lương tâm và khí phách của thời đại.
Nhà báo người Liên Xô Ô.Man-đen-xtam từng nói: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu Châu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai”1 - đó là nền văn hóa độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam và nhân loại! Vì vậy, khi Người đi vào cõi vĩnh hằng, trong Điếu văn, Tổng Bí thư Lê Duẫn đã đọc trước nhân dân: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch - Người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”2. Tên Người sống mãi với non sông Việt Nam, trường tồn cùng dân tộc.
Người tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, thành lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam
Tận mắt chứng kiến dân tộc Việt Nam chìm đắm trong “đêm trường nô lệ” và các phong trào đấu tranh yêu nước đều lần lượt thất bại, vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, với lòng yêu nước nồng nàn, nhãn quan chính trị thiên tài, ngày 05-6-1911, với tên gọi Văn Ba, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc nhận làm phụ bếp trên con tàu A-mi-ran La-tu-sơ Tơ-rê-vin, rời Cảng Nhà Rồng với quyết tâm phải tìm bằng được con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã hòa mình vào quần chúng cần lao, đến các vùng nông thôn hẻo lánh ở Niu Oóc, Luân-đôn, Pa-ri, Thái Lan, Trung Quốc... để tìm hiểu các phong trào cách mạng thế giới như: Cách mạng Mỹ năm 1776, cách mạng Pháp năm 1789 và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc. Người sớm nhận thấy rằng: “Kách mệnh Mỹ cũng như kách mệnh Pháp nghĩa là kách mệnh tư bản, kách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực thì nó tước đoạt công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”3. Tháng 11-1917, cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi, phá vỡ mắt xích yếu nhất trong sợi dây chuyền đế quốc chủ nghĩa, lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Cuộc cách mạng vĩ đại năm 1917 đã đưa học thuyết cách mạng của Mác - Lênin trở thành hiện thực đầu tiên ở nước Nga Xô-viết, đưa cách mạng thế giới bước vào thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH.
Năm 1920, tại Pa-ri, Pháp đã diễn ra cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Nguyễn Ái Quốc và Chủ nghĩa Mác - Lênin qua Bản Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin, đăng trên Báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp. Luận cương của V.I.Lênin đã chỉ ra con đường giải phóng dân tộc, nên Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc: “Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”. Người nói: “Đề cương của Lênin làm tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên; ngồi một mình trong buồng mà tôi muốn nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”4.
Với lập trường yêu nước đúng đắn, Người vạch ra chân lý: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”5. Và “Chỉ có CNXH, chủ nghĩa Cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức”6. Kết luận này khẳng định sự chuyển biến sâu sắc trong tư duy của Nguyễn Ái Quốc, từ người yêu nước chân chính trở thành người cộng sản - người đảng viên cộng sản đầu tiên của Việt Nam; Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp; hình thành con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam.
Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc bí mật trở về Quảng Châu (Trung Quốc). Trên cương vị mới, Người vừa làm phiên dịch cho đồng chí Bô-rô-din - cố vấn Liên Xô bên cạnh Chính phủ cách mạng Quốc dân đảng - vừa phụ trách mục tuyên truyền trong tờ báo Canon Gazette - Báo viết bằng tiếng Anh của Trung ương Quốc dân đảng. Đây là điều kiện thuận lợi nhất để Người truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam. Người tiếp xúc với những thanh niên yêu nước hăng hái nhất trong nhóm Tâm Tâm Xã như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong... Tháng 5-1925, Người lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với sự giúp đỡ tận tình của các đồng chí Trung Quốc, Hội bí mật đưa một số thanh niên trong nước sang Quảng Châu tham gia các lớp học chính trị. Hội ra tờ Báo Thanh Niên, bí mật truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào đấu tranh của công nhân và quần chúng nhân dân. Qua đó, Người tích cực chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập một đảng mác-xít ở Việt Nam.
Khi Chủ nghĩa Mác - Lênin đã thật sự thâm nhập sâu vào phong trào công nhân và chiếm ưu thế trong phong trào yêu nước Việt Nam, ba tổ chức cộng sản lần lượt ra đời, khẳng định bước phát triển quan trọng của phong trào cách mạng Việt Nam. Trước yêu cầu lịch sử, với tư cách là phái viên của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03-02-1930 tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc). Hội nghị thông qua Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi chủ nghĩa thực dân Pháp và phong kiến tay sai, giành độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho dân cày… đã thể hiện rõ mục tiêu duy nhất của cách mạng Việt Nam “làm tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để tiến tới xã hội cộng sản”7. Lần đầu tiên, cách mạng Việt Nam có một cương lĩnh chính trị phản ánh đúng tình hình và quy luật khách quan của xã hội Việt Nam, phù hợp với xu thế thời đại: “Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình”8.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, liên tiếp giành thắng lợi trong các giai đoạn 1930-1931, 1936-1939, tạo ra thế và lực mới, giành thắng lợi khi có thời cơ. Nguyễn Ái Quốc luôn theo sát từng bước phát triển của cách mạng Việt Nam, tìm mọi cách đề nghị với Quốc tế cộng sản bố trí công tác phù hợp để tham gia trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Được sự nhất trí của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc rời Mát-xcơ-va với nhiệm vụ “đến Trung Quốc để công tác trong Đảng Cộng sản Đông Dương”. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng, thời điểm khảo sát, tiếp cận và chuẩn bị những tiền đề cần thiết cho cuộc “đột nội”, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Ngày 28-01-1941, Nguyễn Ái Quốc về tới cột mốc 108, biên giới Việt - Trung thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Người đứng lặng hồi lâu bồi hồi, xúc động trào dâng “Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ, hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình”… Sự kiện lịch sử này đã được thực tiễn cách mạng minh chứng, Cao Bằng, nơi có suối Lênin, núi Các Mác đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là trung tâm đầu não của phong trào cách mạng cả nước, mở ra một tương lai sán lạn của cách mạng nước nhà. Người quyết định chọn Cao Bằng là điểm đặt chân đầu tiên và làm trung tâm “cơ quan đầu não” chỉ đạo cách mạng Việt Nam sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước.
Người trực tiếp tổ chức, lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi
Sau khi khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tình hình, ngày 19-5-1941, tại Khuổi Nậm, Pác Pó, Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Trên cơ sở đường lối chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng trong Hội nghị Trung ương 6 và 7, Hội nghị Trung ương 8 phát triển và hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ chống đế quốc giải phóng dân tộc lên hàng đầu, nhiệm vụ chống phong kiến và các nhiệm vụ dân chủ khác phải rải ra thực hiện từng bước. Người chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”. Vì vậy, “bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”. Đây là sự chuyển hướng quan trọng nhất về chỉ đạo chiến lược. Đảng ta khẳng định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Hội nghị Trung ương 8 của Đảng là sự gặp gỡ giữa tư tưởng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc với chủ trương giải phóng dân tộc của Trung ương Đảng. Đường lối này không những khắc phục quan điểm về đấu tranh giai cấp, mà còn tạo điều kiện cho tư tưởng giải phóng dân tộc của Bác Hồ tiếp tục phát triển, đưa lại thắng lợi cho cách mạng Việt Nam. Cũng từ đây, Mặt trận Việt Minh ra đời - một chủ trương mang tính chiến lược, sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhằm đoàn kết hết thảy các lực lượng yêu nước không phân biệt dân tộc, giai cấp, đảng phái, giai cấp, là người Việt Nam đoàn kết trong một mặt trận để cứu nước, giải phóng dân tộc. Thể hiện rõ chính sách “dân tộc tự quyết”, hợp với nguyện vọng của toàn thể nhân dân, giai cấp, các dân tộc Đông Dương, hợp với cuộc đấu tranh chung của toàn thế giới chống phát xít xâm lược, bảo đảm cho cách mạng Đông Dương thành công.
Trước sự biến đổi sâu sắc của tình hình, Đảng và Bác Hồ đã đưa ra một vấn đề hết sức cần kíp lúc này là chuẩn bị các lực lượng cách mạng. Trong đó, hướng phát triển lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng và đưa Đảng vào hoạt động bí mật, các đội Cứu quốc quân I, II, III lần lượt ra đời, khẩn trương triển khai xây dựng các đội tự vệ, du kích, huy động nhân dân quyên góp tiền của để mua sắm vũ khí. Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời đã liên tiếp đánh thắng hai trận Phai Khắt, Nà Ngần. Chiến thắng đầu tiên của Đội cùng với những thắng lợi của Cứu quốc quân, các đội du kích, tự vệ ở các địa phương đã góp phần củng cố, mở rộng khu căn cứ cách mạng Cao - Bắc - Lạng, Thái - Hà - Tuyên, cổ vũ, động viên toàn dân đẩy mạnh phong trào đấu tranh, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang.
Ngày 09-5-1945, Đức đầu hàng Đồng minh. Ngày 15-8-1945, Nhật đầu hàng Đồng minh. Trong nước, Chính phủ tay sai Trần Trọng Kim tê liệt, phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển mạnh mẽ. Đêm 13-8-1945, khi Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 - hiệu triệu toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Lúc Bác ốm nặng ở lán Nà Lừa và đã căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: Dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, cả dân tộc muôn người như một vùng lên “chớp thời cơ ngàn năm có một” giành chính quyền về tay mình.
Từ ngày 19-8-1945 đến ngày 28-8-1945, chính quyền trên cả nước đã hoàn toàn về tay nhân dân. Ngày 02-9-1945, tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra thời đại mới - Thời đại Hồ Chí Minh!
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ mới ra đời, vận mệnh nước ta lại rơi vào tình thế “như ngàn cân treo sợi tóc”. Trước tình thế đó, với nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã bình tĩnh, sáng suốt phân tích tình hình, đề ra đường lối đúng đắn và những cách thức hành động khôn khéo, mềm dẻo, từng bước giải quyết giặc đói, thanh toán giặc dốt, nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân. Lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, Người trực tiếp ký Hiệp định Sơ bộ 06-3-1946 và Tạm ước Việt - Pháp 14-9-1946, đuổi nhanh quân Tưởng về nước, buộc Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nước tự do, có chủ quyền, tạo thời gian hòa hoãn cần thiết để xây dựng và phát triển lực lượng, chuẩn bị mọi mặt cho toàn quốc kháng chiến. Những quyết định lịch sử sáng suốt, vừa có tính nguyên tắc, vừa mềm dẻo và linh hoạt của Hồ Chí Minh giúp dân tộc vượt qua thời đoạn hiểm nghèo đã bước đầu phản ánh tầm ảnh hưởng cũng như vai trò dẫn đường của Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam.
Trong hai cuộc kháng chiến, Người đã xác định đúng kẻ thù cơ bản, đánh giá đúng so sánh lưc lượng giữa ta và địch. Trong tầng tầng, lớp lớp kẻ thù núp dưới danh nghĩa Đồng minh kéo vào nước ta sau Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã nhanh chóng nhận ra kẻ thù cơ bản, chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Người đề nghị quốc dân đồng bào: “Nhân dân Việt Nam hoan nghênh quân Đồng minh kéo vào Việt Nam để tước khí giới quân Nhật, nhưng cương quyết phản đối quân Pháp kéo vào Việt Nam, vì mục đích của họ chỉ là hãm dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ một lần nữa”9. Cũng vì thế Người đã sớm kêu gọi “Đồng bào hãy sẵn sàng đợi lệnh Chính phủ để chiến đấu!”10.
Hồ Chí Minh và Đảng ta đã hoạch định đường lối kháng chiến đúng đắn, phát huy sức mạnh tổng hợp, duy trì và dẫn dắt hai cuộc kháng chiến phát triển tới thắng lợi hoàn toàn. Đó là đường lối “kháng chiến, kiến quốc” không chỉ soi đường, dẫn lối cho cách mạng nước ta từng bước xây dựng mọi tiềm lực, đẩy lùi “giặc đói”, chống “giặc dốt”, mà còn làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động đại cầu”, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng do Hồ Chí Minh khởi xướng tại Đại hội III, sau đó cũng đóng vai trò quyết định, dẫn dắt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tới thắng lợi hoàn toàn. Thực hiện chiến lược cách mạng XHCN giúp xây dựng được hậu phương miền Bắc XHCN vững chắc, đóng vai trò quyết định nhất đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến. Tiến hành chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã trực tiếp quyết định thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Chủ trương thắng từng bước với việc “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” là phương hướng kết thúc chiến tranh trong quan điểm chủ đạo của Người. Quan điểm của Người đã dẫn đường cho cách mạng Việt Nam từng bước giành được những thắng lợi vững chắc nhất, làm cho quá trình đi tới thắng lợi hoàn toàn của dân tộc trong mùa Xuân năm 1975 như một tất yếu lịch sử không thể đảo ngược.
Thắng lợi vĩ đại của các cuộc kháng chiến, với việc hiện thực hóa mục tiêu độc lập, tự do và CNXH, một lần nữa khẳng định vai trò dẫn đường cùng sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người soi sáng con đường cách mạng Việt Nam
Cả cuộc đời bảy mươi chín mùa xuân, Người đã hiến dâng trọn vẹn cho dân, cho nước. Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người để lại cho dân tộc Việt Nam căn dặn những vấn đề cốt yếu của cách mạng Việt Nam, trong đó đặc biệt quan tâm đến xây dựng Đảng và con người. “Trước hết nói về Đảng”, “theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng” và “đầu tiên là công việc đối với con người”11 là hai nội dung trọng yếu, bức thiết và có mối quan hệ biện chứng được Người đề cập trong Di chúc. Vì vậy, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn để giữ vững vai trò lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền và sức chiến đấu, đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong mỗi bước của dân tộc, hình ảnh, tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Người luôn là niềm tin vững chắc, soi sáng con đường đi lên của đất nước. Tại Đại hội VII, Đảng ta đã chính thức đưa vào văn kiện: Lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930/03-02-2007), Đảng ta phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đến nay Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Qua đó tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng đã có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, định hướng tư tưởng, hành động và bước đầu giành được kết quả cao. Nội dung “làm theo” tư tưởng, đạo đức, tác phong của Bác được biểu hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong công việc, trong đời sống thường ngày “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng “Ý Đảng, lòng dân” trở thành sức mạnh vật chất và tinh thần trong sự nghiệp thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược “xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN”. Tư tưởng, phong cách, tấm gương đạo đức sáng ngời của Người luôn soi sáng con đường đi lên của dân tộc, là niềm tin vững chắc để Đảng và nhân dân ta tiếp tục con đường Người đã lựa chọn, xây dựng đất nước ta “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”, “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” như sinh thời Bác hằng mong muốn.
Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là tài sản tinh thần vô cùng to lớn của Đảng và dân tộc ta, mà còn “mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”12. Hơn ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, đất nước ta đã đạt được “những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN”13. Những thành tựu đó tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo, con đường đi lên CNXH của đất nước ta mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn là “phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”14. Điều đó chứng tỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là người tìm đường, mở đường, dẫn đường mà tư tưởng của Người mãi mãi soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam trong cuộc hành trình tới độc lập, tự do và CNXH, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tất cả niềm tin yêu và lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh - soi sáng con đường chúng ta đi, chúng ta nguyện đoàn kết một lòng, xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hùng cường Thời đại Hồ Chí Minh - đó là cách học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thiết thực nhất, cụ thể nhất và hiệu quả nhất. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải biến những điều tiếc nuối, những ham muốn tột bậc, điều mong ước cuối cùng của Người trong Di chúc thành hiện thực, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Phạm Thị Nhung, Chu Thanh Tùng
Trường Sĩ quan Lục quân 1
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử
1, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.1, tr.462; t.12, tr. 562; t.2, tr.603; t.12, 563; t.3, tr.1; t.12, tr.407; t.3, tr.596; t.4, tr.10, t.15, tr.616.
2. Trích Điếu văn do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc 09-9-1969, tại Lễ truy điệu Bác Hồ.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.31.
12. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr.88.
13, 14. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.65; tr.66.
Các tin khác
|