ĐẠO ĐỨC LÀ “GỐC” CỦA NGƯỜI CÁCH MẠNG Ngày cập nhật 28/05/2024 | |
Ngày 09-5-2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định số 144).
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu luôn quan tâm, đề cao công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ngay từ khi tuyên truyền, vận động thành lập Đảng, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, đạo đức cách mạng là nội dung cốt lõi đầu tiên trong những vấn đề căn bản của cách mạng Việt Nam. Người nhiều lần nhấn mạnh, đạo đức là “gốc” của người cách mạng, bởi: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Thấm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn có giá trị to lớn và quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hơn 94 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; là yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”, là tổ chức của những người ưu tú, có bản lĩnh chính trị vững vàng; đủ năng lực và uy tín để lãnh đạo nhân dân, xứng đáng với trọng trách được nhân dân tin tưởng giao phó.
Qua các kỳ đại hội Đảng, yêu cầu về phẩm chất, đạo đức đối với cán bộ, đảng viên được Đảng ta nhấn mạnh, bổ sung và phát triển, phù hợp với nhiệm vụ cách mạng từng giai đoạn, trở thành nền tảng, động lực tinh thần to lớn, huy động sức mạnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết đấu tranh, giành nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng Tháng Tám, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, bảo vệ Tổ quốc và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đại hội lần thứ VI của Đảng đặt ra yêu cầu công tác tư tưởng phải hướng vào việc bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho cán bộ, đảng viên. Các kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII, VIII, IX, X, XI đều đề cao chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Tại Đại hội XII, lần đầu tiên Đảng ta đặt công tác xây dựng Đảng về đạo đức ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đại hội lần thứ XIII của Đảng một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Nghị quyết của Đại hội nhấn mạnh việc đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống các văn bản của Đảng và Nhà nước ta dù đã đề cập đến các yêu cầu về phẩm chất đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên, song vẫn chưa có quy định riêng, cụ thể về chuẩn mực đạo đức cách mạng, để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành. Quy định của các ban, bộ, ngành, địa phương hiện nay chủ yếu quy định về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. Công tác rèn luyện, quản lý cán bộ, đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Một số tổ chức cơ sở Đảng, cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong tu dưỡng đạo đức. Vẫn còn có một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gây bất bình, lo lắng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn cho thấy, khi người cán bộ, đảng viên không thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất thì sẽ dần đánh mất mình, đánh mất “nền tảng gốc” là đạo đức cách mạng, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị và đó là một bước ngắn, hết sức nguy hiểm, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nhiều trường hợp cán bộ bị kỷ luật Đảng và xử lý trước pháp luật thời gian qua có nguyên nhân gốc rễ là không chú ý giữ gìn đạo đức cách mạng, đã vi phạm Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm, vì danh lợi cá nhân mà bất chấp kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước.
Trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chưa từng thấy, có nhiều bất định, bất ổn, đột biến và rủi ro khó lường như hiện nay, các thế lực xấu, thù địch, phản động lợi dụng việc một số cán bộ, đảng viên vi phạm, bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự để đẩy mạnh bôi xấu, xuyên tạc, tiếp tục chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, thì chúng ta lại càng ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng Đảng về đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất, đạo đức cách mạng, có năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới.
Gần đây, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, quyết sách rất quan trọng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Để thực hiện chủ trương này thành công, cần có “một cẩm nang xây dựng Đảng về đạo đức”, trong đó có những quy định cụ thể về chuẩn mực đạo đức cách mạng để mọi cán bộ, đảng viên tự giác thực hiện và các tổ chức Đảng căn cứ vào “cẩm nang” để rèn luyện, giáo dục cán bộ đảng viên và xử lý kỷ luật nếu vi phạm. Chính vì vậy mà việc ban hành Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là cấp thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, phát huy ưu điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Các tin khác
| |